Trong suốt 2 thập kỷ qua, võ thuật Vovinam ngày càng có thêm một số bài nhu khí công quyền dành cho tất cả võ sinh và các bài liên hoàn đối luyện dành cho nhiều đối tượng bao gồm những động tác nhẹ nhàng và không té ngã. Cùng tìm hiểu 5 đặc trưng cơ bản của môn võ thuật đỉnh cao của Việt Nam trong bài viết này nhé.

Những đặc trưng cơ bản của môn võ thuật Vovinam

Tính thực dụng

Đây là đặc trưng đầu tiên và cũng là đặc trưng nổi bật nhất của võ thuật Vovinam. Thay vì phải mất một thời gian luyện tấn, đi quyền rồi mới học phân thế; võ sinh Vovinam được huấn luyện viên hướng dẫn ngay các thế khóa gỡ (khi bị nắm tóc, nắm áo, nắm tay, bóp cổ, ôm ngang…), phản đòn căn bản (khi bị đấm, đá, đạp…) song song với những kỹ thuật gạt, đấm, đá, gối, chỏ, chém, té ngã… ngay từ các buổi tập đầu tiên.

Đây là tư duy khá mới mẻ của cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc vào nhưng năm cuối thập kỷ 1930, nhằm giúp võ sinh có thể ứng phó hữu hiệu được ngay khi gặp phải những tình huống bắt buộc phải tự vệ. Tính thực dụng đó không những phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ mà càng hợp lý và có giá trị đối với thời đại ngày nay.

Võ thuật Vovinam mang tính liên hoàn

Đặc trưng quan trọng thứ hai là tính liên hoàn. Một đòn thế Vovinam tung ra luôn luôn phải có tối thiểu 3 động tác.

Ví dụ: Muốn phản đòn đấm tay phải của đối phương, võ sinh sẽ bước chân trái sang bên trái cùng lúc dùng tay phải gạt tay đấm đối phương để tránh né; sau đó phản công bằng cách dùng tay trái chém vào mắt hay mặt và kết thúc bằng cú đấm thấp tay phải vào bụng đối phương.

Nói chung, đó có thể là những động tác liên hoàn bằng tay (chém, xỉa, đấm, bật, chỏ…), hay bằng chân (đá, đạp, quét, triệt ngã…). Lối ra đòn này nhằm chiếm thế thượng phong khi tự vệ và chiến đấu, phù hợp với thể tạng gọn gàng và nhanh lẹ của người Việt Nam, đồng thời cũng là biện pháp đề phòng trường hợp 1 hoặc 2 đòn ban đầu chưa đánh trúng đích, hiệu quả.

Nguyên lý cương nhu

Hệ thống kỹ thuật Vovinam Việt Võ Đạo bao gồm những đòn thế nhu nhuyễn, các đòn cương mãnh và ngay trong bản thân từng đòn thế cũng chứa đựng sự kết giao giữa cương – nhu, giống nhu sự giao hòa giữa âm – dương trong thiên nhiên và xã hội.

Hệ thống kỹ thuật Vovinam còn tuân thủ nguyên lý Cương – Nhu phối triển. Nguyên lý này thể hiện ở chỗ lúc bị tấn công, võ sinh thường né tránh (nhu), rồi mới phản công (cương). Bên cạnh đó, võ thuật Vovinam cũng có nhiều kỹ thuật tấn công nhưng vẫn đảm bảo nguyên lý này. Chẳng hạn như khi tung một cú đá tấn công hoặc phản công (cương) vào thân thể đối phương, võ sinh luôn luôn phải dùng tay che mặt và bảo vệ hạ bộ để phòng thủ (nhu).

Ngay trong phương pháp luyện tập té ngã (không nguy hiểm, không đau), võ sinh phải lên gân và co tròn thân người lại (cương), sau đó lăn tròn thân người lúc ngã xuống (nhu) để hóa giải lực tấn công của đối phương và sức rơi của trọng lượng cơ thể. Nhờ vào nguyên lý trên, võ sinh Vovinam Việt Võ Đạo tập luyện đòn thế và té ngã trên sàn gạch bình thường như trên thảm (tapie).

Võ thuật Vovinam vận dụng nguyên lý khoa học

Cũng như các võ phái khác,  Vovinam vận dụng các nguyên lý khoa học vào võ thuật như: lực ly tâm (các thế xoay người, gạt, đỡ, đấm, đá, chỏ… theo hình vòng cung hoặc vòng tròn); lực đòn bẩy (các thế bẻ, khóa, gài, móc, chặn…); lực xoáy (các thế đấm thẳng…); lực co gấp và sức bật (các đòn quăng, quật, vật, nhảy…). Nhưng nguyên lý khoa học này giúp võ sinh Vovinam Việt Võ Đạo ít hao tốn sức lực khi tập luyện cũng như lúc thi triển đòn thế mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, các đòn chém quét, chém triệt, chỏ triệt (lực tay và chân đánh cùng lúc nhưng nghịch chiều), triệt ngã (lực tay và lực chân đánh cùng lúc và cùng chiều) cũng có thế đòn chân tấn công tung chân bay đạp, quật ngã bằng cách quặp cổ (bất ngờ tung ra khi đối phương bất cẩn, lảo đảo…). Đòn chân tấn công còn là một đặc trưng kỹ thuật quan trọng của Vovinam Việt Võ Đạo.

Nguyên lý một phát triển thành ba

Từ tính thực dụng trong hệ thống kỹ thuật, các đòn căn bản, khóa gỡ… đơn lẻ là nội dung tập luyện rất quan trọng của người học võ Vovinam Việt Võ Đạo. Tuy nhiên, nhằm giúp người học Việt Võ Đạo có điều kiện thuận lợi hơn để ôn luyện thuần thục các đòn thế căn bản cũng như ứng biến với nhiều tình huống khác nhau.

Hệ thống kỹ thuật của Vovinam Việt Võ Đạo còn có 2 phương pháp tập luyện khác: một là các bài đơn luyện (bài quyền tay không, bài quyền có binh khí) và hai là các bài song luyện (2 võ sinh thực hiện liên tục một số đòn thế tay không, khóa gỡ hoặc có vũ khí) và đa luyện (3-4 võ sinh thực hiện liên tục một số đòn thế tay không, khóa gỡ hoặc có vũ khí) được kết nối với nhau một cách hợp lý. Từ cái gốc đòn căn bản,khóa gỡ, phát triển thành đơn luyện, song luyện và đa luyện chính là nguyên tắc “một phát triển thành ba” trong hệ thống kỹ thuật của môn phái.

Xem thêm: Thế Giới Võ Thuật; Kết nối niềm đam mê võ thuật Việt Nam

Ý kiến của bạn